GIÁO LÝ VỀ ĐỨC MẸ MARIA
THỂ HIỆN SỨ MỆNH ĐỨC MẸ MARIA 82. Khi nào sứ mệnh cao cả của Đức Mẹ Maria được thể hiện trong thời gian? Sứ mệnh đặc biệt Đức Mẹ Maria được thể hiện trong thời gian khi Sứ thần Gabrien, trong ngày Truyền Tin, đã báo cho Đức Trinh Nữ biết Người sẽ làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Đức Mẹ Maria đã thưa lời XIN VÂNG (FIAT) muôn đời ghi nhớ. Quả thế, chính từ giây phút này, Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên MẸ thể chất CHÚA KITÔ, đồng thời là MẸ THIÊNG LIÊNG của mọi thụ tạo là những chi thể huyền nhiệm Chúa Kitô, như Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã minh xác: “Chúa Giêsu là Con Duy Nhất của Đức Mẹ Maria. Nhưng Mẹ là Mẹ Thiêng Liêng của mọi người được Chúa Kitô đến cứu chuộc. Người Con Mẹ sinh ra đó đã được Thiên Chúa đặt làm Trưởng Tử giữa muôn vàn anh chị em (xem Rm 8:29), đó là các tín hữu mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục họ”. (Lumen Gentium số; Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 501)
83. Có thật Đức Maria là Mẹ Phổ Quát như các lời Tiên Tri đã báo không? Rất xác thực là Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành Người Mẹ Phổ quát theo ơn tiền định của Đức Mẹ và theo các lời Tiên tri liên quan đến việc đó. Những bằng chứng về điều này đã rất hiển nhiên.
A. MẸ ĐẤNG TẠO THÀNH
84. Làm sao chứng minh được Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa? Thánh Kinh và Thánh Truyền đã cung cấp cho chúng ta mọi bằng chúng thiết yếu để chứng minh Đức Trinh Nữ MARIA thật là Mẹ THIÊN CHÚA.
85. Thánh Kinh minh chứng thế nào về Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa? Thánh Kinh Tân Ước nêu lên ba trường hợp sau đây: 1. Khi truyền tin cho Trinh Nữ Maria, Sứ Thần nói: “Thưa Trinh Nữ, đừng sộ, vì Trinh Nữ được đầy tràn ơn Chúa. Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con Trai, Trinh Nữ sẽ đặt tên là GIÊSU. Ngài là Con Đấng Tối Cao…” (Lc 1: 30-32). 2. Khi bà Dì Elizabeth đáp lời chào thăm của Mẹ Maria: “Ồ! Bởi đâu tôi được diễm phúc có Mẹ Chúa tôi đến thăm tôi!” (Lc1:43) 3. Khi Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngoại nói với giáo dân: “Đến thời chỉ định, Thiên Chúa đã sai Con mình đến, sinh bởi Người Nữ…” (Gal 4:4). “… Chúa Kitô về phần xác, đã sinh bởi các Tổ phụ Israel, nhưng Người là Thiên Chúa” (Rom 9:5). Vì thế, mặc dầu Thánh Kinh không gọi một cách trực tiếp Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nhưng một cách gián tiếp đã gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Kitô, mà Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa, cho nên Đức Trinh Nữ Maria đích thực là Mẹ Thiên Chúa. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã minh xác: “Thánh Kinh gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Kitô” (Jn 2:1; 19:25). Do tác động Chúa Thánh Linh, Đức Trinh Nữ Maria được xưng tụng: “Mẹ Chúa tôi” (Lc 1:43) ngay trước khi sinh Con. Đúng thế, Đấng mà Mẹ cưu mang làm người do Chúa Thánh Linh và trở thành Con Mẹ thật sự về thể xác, cũng chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, là Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội đã tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria thực sự là MẸ THIÊN CHÚA (Theotokkos). (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 495)
86. Thánh Truyền đã làm chứng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa như thế nào? Tất cả lưu truyền Kitô Giáo, từ các thánh Tông Đồ đến nay, đều công nhận chân lý trọng đại có nền tảng nay, như lịch sử Kitô Giáo đã chứng minh. Các tín hữu tiên khởi vẫn tuyên xưng theo kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ: “Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Thời thánh Hipôlytô (năm 215), các dự tòng được sát hạch trước khi lãnh Bí Tích Thánh Tẩy: “Con có tin Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Thánh Linh và Đức Trinh Nữ Maria không?” Trước Công Đồng chung Êphêsô, Thánh Grêgôriô Nazianzênô (+390) đã tuyên bố: “Nếu ai không tin Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, hoặc quan niệm Đức Giêsu Kitô ra khỏi lòng Đức Mẹ Maria giống như cách sinh sản các đàn bà khác, vì Đức Kitô không có hai bản tính: kẻ đó là người rối đạo”. (Mariology Vol. 2, pp. 184-194) Công đồng chung Êphêsô năm 431 đã tuyên bố: Nếu ai không tin Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật và Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa vì đã sinh hạ Ngôi Hai mặc xác làm Người, kẻ đó bị vạ tuyệt thông”. (Florilegium Mariae tr. 155 số 5)
87. Chúng ta có thể xác quyết Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa theo ý nghĩa nào? Chúng ta gọi Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa không phải là vì Người đã sinh ra bản tính Thiên Chúa, nhưng Đức Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô trong bản tính nhân loại, mà Chúa Giêsu Kitô chính là Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh, Ngài chính là Thiên Chúa, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
88. Một phụ nữ được trở nên Mẹ Thiên Chúa có xứng hợp không? Chính lý trí bảo chúng ta rằng: một phụ nữ trở nên Mẹ Chúa Kitô, tức la mẹ Thiên Chúa là rất thích hợp. Do việc tiền định này mà sự khôn ngoan, công bằng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa được gia tăng vinh dự.
89. Có Bè Rối nào phủ nhận chân lý trọng đại này không? Có ít nhiều Bè Rối như bè Gnosticiô, bè Manikêô, bè Ariô và bè và bè Nestôriô đã phủ nhận chân lý này cách trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy theo họ chối Thiên Tính hoặc Nhân Tính Chúa Giêsu Kitô. Ông Nestôriô trực tiếp phủ nhận chức Mẹ Thiên Chúa, vì ông chối Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, nên đã bị vạ theo công thức tại Công Đồng Ephêsô (năm 431).
90. Đối với Đức Mẹ Maria, đâu là những hiệu quả chức Thiên Mẫu? Đối với Đức Mẹ Maria, những hiệu quả của chức Thiên Mẫu thì nhiều lắm. Thức vậy, chức Thiên Mẫu đã cất nhắc Đức Mẹ Maria lên bậc cao trọng phi thường và đặt Mẹ vào chỗ cao nhất sau Thiên Chúa trong nấc thang vạn vật. Bởi chức làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria đã vào trong lãnh vực Ngôi Hiệp (vì chính nhờ Đức Mẹ và trong Đức Mẹ, mà Ngôi Lời đã kết hợp cách Ngôi hiệp với nhân tính), là lãnh vực cao vượt trên mọi lãnh vực tự nhiên, siêu nhiên hay ân sủng. Chính vì thế, các Giáo Phụ và các Văn gia Công Giáo hầu như không còn đủ lời ca tụng để làm vinh danh Đức Mẹ cho cân xứng. Sự cao sang của Đức Mẹ Maria chạm tới vô biên. Sau đây, chúng ta hãy đọc đoạn văn của Cha Terrien ca tụng chức Mẹ Thiên Chúa, mà Cha Neubert đã thuật lại trong sách MẸ MARIA TRONG TÍN LÝ: “Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa chúng ta nghe đã quá quen tai, đến nỗi không còn để ý đến sự cao cả khôn lường của nó. Chúng ta hãy nghĩ đến một thụ tạo thuần túy nhân loại, một cô gái trẻ thuộc giống loài người, đã được chọn để thật sự làm MẸ THIÊN CÚA, thì chúng ta sẽ cảm thấy đầu óc choáng váng rồi! “Ta cứ thử điểm hết một lượt các bậc thang những tạo vật ở tình trạng có thánh sủng, từ một em bé mới lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, qua vô số linh hồn tầm thường, đến những linh hồn sốt sắng, đến các linh hồn thánh thiện, rồi tới các phẩm trật trên Trời, cho đến một vị bất kể là người hay Thiên Thần chiếm bậc cao nhất trong các tôi tớ Thiên Chúa. Lên cao tới mức này rồi, thì đây, còn một khoảng không gian mới mở ra trước mắt ta, nó vượt xa vô số kể, so với cái khoảng ta vừa đi qua, vì đây là khoảng cách từ một vị đầy tớ cao cả nhất của Chúa đi lên đến Mẹ Thiên Chúa. Vì “chức Mẹ Thiên Chúa chạm tới bên lề, tức là giáp ranh giới bản tính Thiên Chúa”. “Các Thánh đã chiêm ngưỡng sự cao cả này, rồi dùng mọi tước hiệu, mọi hình dung từ, và so sánh đủ cách, cuối cùng vẫn thú nhận rằng tiếng nói nhân loại không thể nào diễn tả nổi, trí khôn loài người không thể hiểu thấu đáo sự cao trọng của Đức Mẹ Maria”. (Terrien, La Mère de Dieu. E. Neubert, Mẹ Trong Tín Lý tr. 46-47)
B. MẸ CÁC THỤ TẠO
91. Tước hiệu Mẹ thiêng liêng của các thụ tạo có ý nghĩa gì? Tước hiệu “Mẹ thiêng liêng của các thụ tạo” có ý nghĩa: Đức Maria là Mẹ các Thiên Thần và Loài Người, vì tất cả là chi thể huyền nhiệm Chúa Kitô. Ngài là thủ lãnh của toàn thể.
92. Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ các Thiên Thần cách nào? Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ các Thiên Thần ít là trong ý nghĩa này: Mẹ Maria đã cộng tác để sắm vinh quang tùy thể cho các Thiên Thần. Hơn nữa, một số đông các Thần học gia quả quyết rằng: Đức Maria cũng đã cộng tác để sắm cho các Thiên Thần cả ân sủng và vinh quang chủ yếu nữa. Vì ân sủng và vinh quang này đã ban cho các vị nhờ công nghiệp trung gian của Giêsu-Maria là chính trung tâm điểm mọi lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên.
93. Như vậy Đức Trinh Nữ Maria có địa vị cao sang hơn các Thiên Thần ư? (The Marian Catechism số 52 và 53) Đúng thế, theo Thánh Kinh, Thiên Chúa đã tạo dựng con người kém hơn Thiên Thần, vì Thiên Thần không có xác thể, nhưng có trí khôn thông sáng và ý muốn thong dong, rất lanh lẹ hơn loài người. Nhưng Đức Trinh Nữ Maria còn cao sang vượt trội trên chín Phẩm Thiên Thần, vì Mẹ được Thiên Chúa ban muôn vàn đặc ân như đặc ân làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Chúa còn yêu thương Đức Mẹ Maria hơn hết tất cả các Thiên Thần và nhân loại. Vì thế Thiên Chúa đã ban cho linh hồn Đức Mẹ nhiều ơn phúc hơn các Thiên Thần và loài người.
94. Tước hiệu “Mẹ thiêng liêng của nhân loại” nghĩa là gì? Tước hiệu “Mẹ thiêng liêng của nhân loại” có nghĩa: Đức Mẹ Maria đã cộng tác với Chúa Giêsu như người Mẹ, để tái sinh chúng ta trong đời sống siêu nhiên của ân sủng đã bị mất vì tội lỗi.
95. Tìm đâu được bằng chứng để chứng minh Đức Trinh Nữ Maria thật là Mẹ thiêng liêng của nhân loại? Các bằng chúng để chứng minh Rất Thánh Trinh Nữ Maria thật là Mẹ thiêng liêng của nhân loại được rút ra từ Thánh Kinh và Thánh Truyền.
96. Thánh Kinh minh chứng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ thiêng liêng của nhân loại như thế nào? Thánh Kinh chứng minh chân lý này dựa vào nguyên lý mà Thánh Phaolô đã nhấn mạnh, đó là sự sáp nhập chúng ta cách thiêng liêng vào Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta hợp thành một với Ngài, trở nên một nhiệm thể duy nhất. Mà các chi thể cũng như đầu được cưu mang và sinh hạ bởi cùng một người Mẹ. Như vậy tất cả mọi người với tư cách là chi thể huyền nhiệm Chúa Kitô, đều được cưu mang và sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria. Họ được cưu mang cách huyền nhiệm trong ngày Truyền Tin lúc Đức Maria cưu mang thân xác Chúa Giêsu và được sinh hạ trên đồi Calvariô lúc Chúa Giêsu ly trần. Chính giây phút này Chúa Giêsu Kitô, theo thánh ý Đức Chúa Cha, đã hoàn tất công việc cứu chuộc nhân loại được khởi đầu từ Nazareth với lời XIN VÂNG (FIAT) của Đức Mẹ Maria. Vì thế, trên đồi Calvariô trước khi tắt thở, Chúa Giêsu Kitô đã long trọng và công khai tuyên bố chức Từ Mẫu Thiêng Liêng Phổ Quát của Đức Trinh Nữ Maria bằng những lời trang trọng: “Đây Là Con Của Mẹ”; “Đây Là Mẹ Của Con” (Jn 19:27).
97. Dựa vào bằng chứng nào để hiểu được lời Chúa Kitô phán trên Thánh giá ám chỉ Đức Maria là Mẹ thiêng liêng của chúng ta? Chúng ta dựa vào Kinh Thánh, lời Thánh Phaolô đã xác quyết với tín hữu thuộc các Giáo đoàn của Ngài như sau: Với giáo đoàn Galaxia: “Không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 11:20). Với giáo đoàn Côrintô: “Tất cả anh chị em là thân thể Chúa Kitô và mỗi người là một bộ phận trong thân thể ấy” (ICor 12:27). Mà trong thân thể có một sự sống chung cho cả đầu và chi thể. Chính Chúa Kitô đã phán: “Thầy là Cây Nho, các con là ngành, ai ở trong Thầy, Thầy sẽ ở trong người ấy, người đó sẽ sinh nhiều hoa trái…” (Jn 15:5). Cũng như một dòng nhựa lưu thông trong cả cây cả ngành, thì cũng một sự sống lưu thông trong Chúa Kitô và môn đệ. Mà việc thông phần vào sự sống vĩnh cửu này, chính là nhờ Đức Mẹ Maria thực hiện cho chúng ta. “Vì thế, Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ thiêng liêng của chúng ta” (Đức Mẹ Trong Tín Lý, tr.82).
98. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác nhận chức Mẹ thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria thế nào? Trong hai số liền nhau (967 và 968) Sách Giáo Lý Công Giáo đã minh xác: Số 967: “Hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa, gắn bó với công trình cứu độ của Con Mẹ và với mọi thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, Đức Trinh Nữ Maria là mẫu mực gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức Tin và đức Ái. Do đó, Đức Trinh Nữ là chi thể siêu quần hết sức đặc biệt của Giáo Hội” (LumenGentium số 53). (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 967) “Vì thế, Mẹ Maria được coi như gương mẫu tuyệt vời hiếm có của Giáo Hội” (Lumen Gentium số 63). Số 968: “Nhưng vai trò của Đức Mẹ Maria đối với Giáo Hội và với cả nhân loại còn đi xa hơn. Nhờ lòng Tuân Phục, đức Tin, đức Cậy và đức Mến nồng nhiệt, Đức Mẹ Maria đã cộng tác đắc lực vào công trình Đấng Cứu Thế, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Do đó, trong lãnh vực ân sủng, Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành Mẹ thật của chúng ta!”(Lumen Gentium số 61; Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 968)
99. Thánh Truyền làm chứng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiêng Liêng nhân loại thế nào? Trong ba thế kỷ đầu, người ta nhìn nhận Đức Trinh Nữ Maria như người Nữ đã mang lại sự sống siêu nhiên cho chúng ta, như thế đã coi Người là Mẹ rồi, nhưng danh từ Mẹ đó chưa tỏ hiện rõ ràng. Vào giữa thế kỷ II, Thánh Justinô quả quyết: “Chỉ vì một người nữ không vâng lời mà nhân loại bị đánh phạt ngã quỵ và chết. Nhưng nhờ Đức Trinh nữ Maria biết tuân phục Thiên Chúa mà nhân loại hồi sinh, khôi phục được sự sống”. Trong thế kỷ III, Giáo Phụ Origênê bình luận lời Chúa Kitô phán trên cây Thánh Giá với Đức Mẹ: “Đây là Con của Mẹ” có nghĩa là Gioan đã trở nên Con Đức Mẹ như Đức Giêsu là Con Đức Mẹ, vì Gioan yêu mến Chúa Giêsu tận tình, đã trở thành một Giêsu-Khác (Alter Christus), như thế Giêsu và Con Đức Mẹ đồng nghĩa. Và khi gọi Gioan là Con Đức Mẹ, cũng có thể gọi ông là Giêsu-Khác. Như vậy, hết mọi Kitô hữu hoàn hảo không còn phải chính họ sống, mà Chúa Giêsu sống trong họ, nên họ được Chúa gọi là Con Đức Mẹ Maria. Trong thế kỷ IV, Thánh Giám Mục Salaminô xác nhận: “Evà, mẹ của nhân loại là hình bóng Đức Maria, vì chính nhờ Đức Mẹ mà sự sống đã đem lại cho thế gian, Đức Maria đã sinh ra Đấng Hằng Sống là Đức Kitô và là Mẹ các chúng sinh”. Bắt đầu từ thế kỷ XI trở về sau, chức Mẹ Thiêng Liêng của Đức Maria đã được năng nhắc đến với lòng hiếu thảo mặn nồng. (Mẹ Maria trong Tín lý, trang 89-97)
100. Thiên Chúa ban cho Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiêng Liêng của nhân loại, điều đó có thích hợp không? Thiên Chúa đã làm cho Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiêng Liêng của nhân loại là điều rất thích hợp. Trật tự siêu nhiên cũng như trật tự tự nhiên, cả hai đều phát xuất từ thượng trí Thiên Chúa. Với sự không ngoan tuyệt vời, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ trong lãnh vực tự nhiên, thì trong lãnh vực siêu nhiên Ngài cũng ban cho chúng ta một Người Mẹ, điều đó thật là chính đáng, vì rất cần thiết cho chúng ta trong mọi phút giây của cuộc sống.
101. Giáo Hội Công Giáo có thể hiện hữu mà không cần có Đức Trinh Nữ Maria không? (The Marian Catechism số 105) Như chúng ta đã biết: Yêu Giáo Hội là yêu Đức Maria, và ngược lại, vì lẽ rằng cái này không thể hiện hữu nếu không có cái kia. Tại Nhà Tiệc Ly, Giáo Hội đã kết hợp với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và các anh em Ngài. Giáo Hội sẽ không được nhắc đến nếu không bao gồm Đức Trinh Nữ Maria Mẹ của Chúa chúng ta cùng một trật với các anh em Ngài. Đức Maria Mẹ Giáo Hội. Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa, là Dân Chúa, là Nước Thiên Chúa và là Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô, tất cả các danh hiệu đó là hình ảnh Giáo Hội. Chính Thiên Chúa đã định rằng Chúa Kitô sẽ không hiện hữu nếu không có Đức Mẹ Maria, nên cũng không có Giáo Hội.
102. Đức Mẹ Maria có tham dự ngày khai sinh Giáo Hội không ? (The Marian Catechism số 106) Chắc hẳn có. Ngày Lễ Hiện Xuống là ngày khai Sinh Giáo Hội. Giáo Hội là Mình Mầu nhiệm Chúa Kitô, là Cây nho và Ngành Nho, gồm có ĐẦU, LINH HỒN, và CÁC CHI THỂ. CHÚA GIÊSU KITÔ là ĐẦU, CHÚA THÁNH THẦN là LINH HỒN Giáo Hội, Cộng Đoàn Dân Chúa là CÁC CHI THỂ. Ngày khai sinh Giáo Hội chỉ được hoàn thành trong ngày Lễ Hiện Xuống khi Chúa Thánh Thần linh giáng trên Giáo Hội dưới hình lưỡi lửa (xem. Act 2:3-4). Lúc đó có Đức Mẹ Maria hiện diện. Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội đã hiện diện lúc Giáo Hội khai sinh. Chúa Thánh Linh đã bao trùm Đức Mẹ khi ĐẦU của Giáo Hội là Đức Giêsu Kitô được nhập thể, thì khi toàn thể Giáo Hội được khai sinh trong ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Linh cũng bao trùm Đức Mẹ Maria một lần nữa.
103. Ngoài tước hiệu Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Nhân Loại, Đức Trinh Nữ Maria còn được xưng tụng bằng tước hiệu nào khác liên quan tới Cộng Đồng Dân Chúa? Còn hai tước hiệu sau đây: Bà Evà Mới và Mẹ của Giáo Hội. Sách Giáo Lý Công Giáo đã đề cập đến Tân Evà như sau: “Sau khi sa ngã, con người đã không bị Thiên Chúa bỏ rơi, trái lại Ngài đã kêu gọi con người, và một cách bí nhiệm, Ngài đã loan báo cuộc chiến thắng sự ác và đã nâng con người dậy. Đoạn sách Sáng Thế Ký này đã được gọi là “Tiền Phúc Âm” hay là “ Phúc Âm Nguyên Thuỷ, “vì loan báo đầu tiên về Đức Kitô Cứu Thế, và về cuộc chiến thắng sau cùng của một người trong các con cháu người nữ ấy. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 410) “Đàng khác, nhiều Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội đã nhận ra Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô, là bà TÂN EVÀ trong người phụ nữ đoạn Tiền Phúc Âm này loan báo”. “Mẹ Maria là người đầu tiên theo cách thế duy nhất được hưởng nhờ cuộc chiến thắng của Chúa Kitô, là Adam Mới, đối với tội lỗi”. (Giáo Lý Giáo Hội công Giáo số 411)
104. Giáo Hội Công Giáo tôn vinh Đức Maria là MẸ GIÁO HỘI như thế nào? Ngày 21 tháng 11 năm 1964 kết thúc khoá họp III Công Đồng Chung Vaticanô II, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công khai tuyên bố: “ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI”, đây là tước hiệu mới, Đức Thánh Cha tôn vinh Đức Mẹ trong cuối thế kỷ XX này. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cũng đã đề cập đến tước hiệu này như sau: “Sau khi nói về chức vụ của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Chúa Thánh Linh, nay cần phải xem xét địa vị của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Giáo Hội”. “Đức Trinh Nữ Maria được nhìn nhận và tôn vinh là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của đấng Cứu Thế, Đức Mẹ Maria cũng thực sự là Mẹ các Chi Thể Chúa Kitô, vì Mẹ đã cộng tác bằng Đức Ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những Chi thể của ĐẦU này” (Lumen Gentium 53). “Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Kitô và là Mẹ Giáo Hội”. (Giáo Lý Giáo Hội Công giáo số 963)
105. Tình Mẫu Tử của Đức Mẹ Maria đối với Giáo Hội như thế nào? Vai trò của Đức Mẹ Maria đối với Giáo Hội gắn liền với sự hiệp nhất của Đức Mẹ với Chúa Kitô và xuất phát từ đó. Sự hiệp nhất của Đức Mẹ Maria đối với Con mình trong công cuộc cứu độ thật rõ ràng từ lúc Mẹ cưu mang Chúa cách trinh tuyền, cho tới khi Ngài chết. Sự hiệp nhất này đã đặc biệt tỏ rõ vào giờ khổ nạn của Chúa Kitô.(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáosố 964) “Sau khi Con mình về trời, Đức Mẹ Maria đã trợ lực Giáo Hội sơ khai bằng những lời cầu nguyện của mình. Hội họp với các Tông Đồ và mấy phụ nữ khác, người ta thấy Đức Mẹ Maria đã cầu nguyện kêu xin Chúa Thánh Linh hiện xuống, Đấng đã che phủ Mẹ dưới bóng Ngài trong ngày truyền tin”.(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 965) “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Mẹ Maria đã được rước về Trời cả hồn xác với Chúa Giêsu Con Mẹ. Ở trên trời vai trò của mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt. Mẹ vẫn tiếp tục cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ, giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình Mẹ hiền, Đức Trinh Nữ Maria hằng săn sóc những anh chị em của Chúa Kitô, Con chí ái Mẹ, đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc Quê Trời”. (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội số 59 và 62)
109. Sao có thể gọi Đức Mẹ Maria là Đấng Trung Gian của Nhân loại, vì theo, vì theo lời Thánh Phaolô: Chỉ có một Vị Trung Gian giữa Thiên Chúa và Nhân Loại là Đức Giêsu Kitô? Sự Trung Gian của Đức Trinh Nữ Maria không đoạt chiếm tước hiệu Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, bởi vì sự Trung Gian của Đức Mẹ Maria là Trung Gian đệ nhị, phụ thuộc sự trung gian của Chúa Kitô, nhờ đó phát sinh mọi hiệu lực. Sự Trung Gian của Đức Mẹ không làm lu mờ sự Trung Gian của Chúa Kitô, nhưng làm cho hoàn toàn khởi sắc và hiệu lực.
110. Kinh Thánh có để cập đến nhiệm vụ Trung Gian của Đức Trinh Nữ Maria không? Kinh Thánh không đề cập đến vấn đề đó một cách minh nhiên, nhưng mặc nhiên, qua các sự kiện sau đây: Mỗi lần Chúa Giêsu Kitô muốn ban cho ai một ơn phúc đặc biệt, thường có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria bên cạnh. Khi Chúa Kitô muốn thánh hoá vị Tiền Hô của Ngài là Gioan Thuỷ Tẩy, thì chính Đức Mẹ Maria đã đem Ngài đến tận nhà bà Elizabeth, thân mẫu của Gioan (Lc 1:39-45). Khi Chúa Kitô muốn tỏ mình ra cho dân Do Thái qua nhóm Mục đồng (Lc 2:8-19) và cho dân ngoại qua ba nhà Đạo sĩ (Mt 2:1-12), thì Đức Mẹ Maria đã giới thiệu Ấu Chúa cho họ. Khi Chúa Kitô muốn làm thoả mãn ước vọng của mấy vị Tiên Tri cuối cùng là Simêon và Ana, thì chính tay Đức Mẹ đã trao Hài Nhi Giêsu cho hai vị (Lc 2: 15-38) Chúa Kitô đã làm phép lạ đầu tiên trong cuộc đời truyền giáo công khai, và cứu danh dự cho gia đình chủ hôn tại tiệc cưới Cana, cũng do lời Đức Mẹ yêu cầu Jn 2:1-11). Khi Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc tại đỉnh đồi Golgotha cũng có Đức Mẹ Maria hiện diện bên cạnh (Jn 19:25-27). Khi Chúa Thánh Thần Linh giáng để củng cố niềm tin, kiên cường sức mạnh cho các Tông Đồ, Môn Đệ, và thiết lập Giáo Hội Tiên Khời giữa trần gian, cũng có Đức Mẹ Maria ở giữa họ (Act 2:1-4). Như vậy, chúng ta có thể kết luận: Tất cả các sự kiện trên không phải xác quyết rõ ràng về sự Trung Gian Phổ Quát của Đức Mẹ Maria sau khi Mẹ đã về Trời, nhưng là toàn bộ các dấu chỉ hướng dẫn tới xác quyết đó: “Ở dưới đất, Đức Trinh Nữ Maria đã là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc bên cạnh Đấng Cứu Chuộc, thì ở trên Trời, Đức Mẹ Maria cũng là Đấng Bầu Chữa bên cạnh Đấng Bầu Chữa là Đức Giêsu Kitô”.(Mẹ Maria trong Tín Lý tr. 169-172)
111. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo diễn tả nhiệm vụ Trung Gian của Đức Mẹ Maria như thế nào? Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 969 đã đề cập đến nhiệm vụ Trung Gian của Đức Mẹ như sau: “Nhờ Đức Tin trong ngày được truyền tin, Đức Mẹ Maria đã vâng phục và vững vàng vâng phục cho tới chân Thập Giá. Chức làm Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria trong kế hoạch ân sủng vẫn tiếp tục không gián đoạn, cho tới khi hoàn tất ơn cứu độ của tất cả những người được tuyển chọn”. “Sau khi về Trời, chức vụ của Đức Mẹ Maria trong công cuộc cứu độ không hề bị gián đoạn. Do lời chuyển cầu liên tục, Đức Mẹ tiếp tục xin cho chúng ta những ơn phúc bảo đảm ơn cứu độ muôn đời”. “Do đó, Đức Trinh Nữ diễm phúc đã được Giáo Hội kêu cầu bằng các tước hiệu: Đấng Bênh Vực, Mẹ Phù Hộ, Mẹ Cứu Giúp, Đấng Trung Gian”. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 969)
112. Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy thế nào về nhiệm vụ Trung Gian của Đức Mẹ Maria? Trong Hiến Chế Ánh Sang1 Muôn Dân (Lumen Gentium), Thánh Công Đồng Vaticanô II đã đề cập đến chức vụ Trung Gian của Đức Trinh Nữ Maria như sau: “Chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất, như lời Thánh Tông Đồ Phaolô xác quyết: Chỉ có một Thiên Chúa và một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại là Đức Giêsu Kitô” (ITim 2:5-6). Nhưng vai trò làm Mẹ của đức Trinh Nữ Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò Trung Gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Thật thế, mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh Nữ Maria trên nhân loại, không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự Trung Gian của Chúa Kitô, nguồng phát sinh tất cả ảnh hưởng đó. Vì thế, sự Trung Gian của Đức Mẹ Maria không cản trở, trái lại còn giúp các tín hữu kết hợp trực tiếp với Chúa Kitô”.(Lumen Gentium 62)
113. Đức Trinh Nữ Maria làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và Nhân Loại bằng mất cách? Làm trung gian bằng hai cách: 1. Hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là cộng tác vào việc thủ đắc mọi ân sủng. 2. Làm Đấng Đồng Công Cứu Chuộc bằng cách cộng tác vào việc áp dụng các ân sủng cho nhân loại, nên Đức Mẹ Maria đã trở nên Đấng ban phát các ơn.
C. ĐẤNG ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI
114. Tước hiệu Đấng Đồng Công Cứu Chuộc Nhân Loại có ý nghĩa gì? Giáo Hội quên gọi Đức Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại, hay gọi tắt là Đấng Đồng Công. * Xét theo nghĩa bình dân: Tước hiệu Đấng Đồng Công Cứu Chuộc ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria đã hiệp công với Chúa Kitô để chuộc lại loài người đã hư hỏng, như bà Evà đã cộng tác với ông Ađam để làm hư nhân loại. * Xét theo nghĩa Thần học: Danh hiệu Đồng Công Cứu Chuộc được phân làm hai phần: Cứu Chuộc và Đồng Công. Danh từ Cứu Chuộc có nghĩa là phục hồi nhân loại đã hư hỏng vì tội Ađam-Evà được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, nhờ công nghiệp vô cùng của Chúa Kitô đã hoàn tất trên dương thế qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Việc cứu chuộc này, các Thân học gia gọi là Cứu Chuộc Khách Quan (Ooàective Redemption), còn gọi là Cứu Chuộc trong tác động đệ nhất (Redemption in actu primo) hay là tác động nguyên khởi. Danh từ Đồng Công hay Đồng Công Cứu Chuộc chỉ rõ Đức Mẹ Maria đã cộng tác với Chúa Kitô trong nhiệm cuộc phục hồi bản tính nhân loại cách siêu nhiên, nhờ áp dụng công nghiệp Chúa Cứu Thế. Đây là việc Cứu Chuộc Chủ Quan (Suoàective Redemption), còn gọi là Cứu Chuộc trong tác động đệ nhị (Redemption in actu secundo) hay là Cứu Chuộc theo nghĩa rộng.
115. Có mấy cách cộng tác vào việc Cứu Chuộc của Đức Mẹ Maria? Đức Mẹ Maria đã cộng tác vào việc Cứu Chuộc Chủ Quan bằng hai cách: 1. Cộng tác cách gián tiếp, còn gọi là cách xa: Đức Mẹ Maria đã ưng thuận cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Cứu Thế. Như vậy là cộng tác với Chúa về phương diện mô thức, thể lý và luân lý. 2. Công tác cách trực tiếp, còn gọi là cách gần: Có nghĩa là công nghiệp của Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa Cha chấp nhận để chung phần vào công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, mang lại cùng một hiệu quả là phục hồi bản tính nhân loại đã hư hỏng vì tội lỗi.
116. Có những bằng chứng nào để chứng minh Đức Mẹ Maria thật là Đấng Đồng Đông Công Cứu Chuộc loài người? Chúng ta có nhiều bằng chứng từ Thánh Kinh và Thánh Truyền chứng minh Đức Mẹ Maria thật là Đấng Đồng Công.
117. Thánh Kinh minh chứng Đức Mẹ Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc như thế nào? Thánh Kinh minh chứng bằng bốn sự việc đã xảy ra: 1. Khi hai Nguyên Tổ bị satan xúi giụp mà sa ngã, tức thì Thiên Chúa phán với Satan: “Ta sẽ đặt một mội thù giữa ngươi và Người Nữ (Maria); giữa dòng dõi người và dòng dõi Người Nữ (Chúa Kitô). Người Nữ sẽ đạp nát đầu ngươi và người sẽ rình cắn gót chân Người” (Gen 3:15). Bằng những lời tuyên bố này, Thiên Chúa đã liên kết Đức Mẹ Maria với Chúa Kitô là Ađam Mới để chiến thắng con rắn hỏa ngục là bè lũ Satan. 2. Trong ngày Truyền Tin (Lc 1:26-38): Đức Mẹ Maria đã bằng lòng cho Ngôi Hai Thiên Chúa thân xác nhân loại là thân xác sẽ được hiến tế trên Núi Sọ để chuộc tội loài người. Sự cộng tác này chẳng những về thể lý, mà còn cộng tác về tinh thần với cả ý thức và tự do. 3. Khi dâng Con trong Đền Thánh (Lc 2:22-35): Tiên tri Simêon đã tiên báo cho Đức Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà”. Nhưng Đức Mẹ sẵn sàng và vui vẻ đón nhận tất cả để Đồng với Chúa Kitô, cứu chuộc nhân loại. 4. Khi chứng kiến cuộc tử hình của Con trên Núi Sọ (Jn 19:25-37): Đức Mẹ Maria đã hiện diện trong hy lễ hiến tế của Con trên Núi Sọ. Mẹ đã kết hợp mật thiết với Con bằng việc từ bỏ mẫu quyền trên hy tế đó. Trên Núi Sọ, Chúa Kitô đã chịu đau khổ tột độ trong tâm hồn. Mẹ đã toàn thiêu hy lễ hiến tế của mình hợp với hy lễ hiến tế Chúa Kitô, để chuộc đền tội lỗi nhân loại.
118. Thánh truyền đã chứng minh Đức Mẹ Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc như thế nào? Tất cả các lưu truyền từ các Thánh Tông Đồ đến thời chúng ta đều xác quyết rằng: Đức Trinh Nữ Maria đã sửa lại lỗi của bà Evà, đã lập công và đền bù cho tội Nguyên Tổ. Như thế, Mẹ đã mở cửa trời cho chúng ta.
119. Giáo huấn của Giáo Hội đề cập đến vấn đề này ra sao? Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II trong chương VIII của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) số 56 đã làm chứng: “Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Mẹ Maria một cách thụ động, nhưng đã để Mẹ tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại nhờ lòng tin và sự vâng phục của Mẹ. Như lời Thánh Irênêô quả quyết: “Nút dây đã bị thắt do Evà bất tuân, nay được gỡ ra nhờ vâng phục của Mẹ”. Số 58 nói rõ hơn: “Đức Trinh NỮ Maria đã tiến bước trong cuộc lữ hành Đức Tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến chân Thập Giá, và Mẹ đã đứng đó theo ý Chúa muốn (xem Jn 19,25. Đức Mẹ Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con mình, và dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy lễ do lòng mình sinh ra”. (Lumen Gentium 56, 58) Đàng khác từ cuối thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX, các Đức Thánh Cha đã đề cập đến tước hiệu và nhiệm vụ ĐỨC MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC như: Đức Lêo XIII (1818-1903); Đức Thánh Piô X (1903-1914); Đức Piô XI (1922-1939); nhất là bốn vị Giáo Hoàng trước và sau Công Đồng Chung Vaticanô II, đó là: Đức Thánh Cha Piô XII (1939-1958); Đức Gioan XXIII (1958-196-2); Đức Phaolô VI (19631978); và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-?) với Thông Điệp MẸ ĐẤNG CỨU THẾ (Redemptoris Mater; xem Mary Coredemptrix, Mediatrex, Advocate, của Mark I. Miravalle, STD, 1993).
120. Sứ vụ Đồng Công Cứu Chuộc của Đức Mẹ Maria đã được Giáo Hội tuyên bố thành Tín điều chưa? Sự cộng tác của Đức Mẹ Maria vào nhiệm cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô mặc dầu là niềm tin chung của giáo hữu, nhưng chưa được Giáo Hội tuyên tín, Mới chỉ là cận tín. Vì thế còn là vấn đề tranh luận và bàn cãi giữa một số nhà Thần học. Nói chung, các Thần học gia không còn bàn cãi về việc Đức Mẹ Maria có cộng tác vào nhiệm cuộc cứu chuộc không, vì là niềm tin chung của Giáo Hội, ít ai phủ nhận điều đó. Nhưng các nhà Thần học chỉ bàn cãi vế việc Đức Mẹ Maria đã cộng tác vào việc cứu chuộc của Chúa Kitô tới mức độ nào?
121. Giáo Lý mới của Giáo Hội Công Giáo có đề cập đến chức vụ Mẹ Đồng Công không? Sách Giáo Lý Công Giáo phát hành năm 1993 đã xác quyết như sau: “Khi thua lời Xin Vâng và tỏ lòng ưng thuận mầu nhiệm nhập Thể này được truyền tin, Đức Mẹ Maria đã cộng tác vào tất cả công trìng Con Mẹ phải hoàn thành. Đức Maria là Mẹ bất cứ nơi nào Con Mẹ là Đấng Cứu Thế và là Đầu của Nhiệm Thể”. (Giáo Lý Giáo Hội Công giáo số 973)
122. Việc Đức Trinh Nữ Maria hộp nhất với Chúa Kitô trong công cuộc Cứu Chuộc nhân loại bằng tư cách Đồng Công có thích đáng không? Có thể không gì thích hợp hơn việc Đức Trinh Nữ Maria đã hợp nhất với Chúa Kitô với tư cách Đấng Đồng Công trong nhiệm cuộc cứu chuộc, vì sự hợp nhất này làm nổi bật sự khôn ngoan và công bằng của Thiên Chúa, là cho một phụ nữ là nguyên nhân và nguồn gốc sự nguyền rủa, trở nên suối nguồn và nguyên nhân mọi chúc phúc.
123. Tước hiệu “Đấng Ban Phát mọi Ân Sủng” có nghĩa gì? Tước hiệu “Đấng Ban Phát Mọi Ân Sủng” có nghĩa là Thiên Chúa, qua hành vi thuộc ý muốn tự do, Ngài muốn hết mọi Ân Sủng từ Trời ban xuống đều qua Đức Mẹ Maria; hơn nữa, mọi Ân Sủng được trao ban cho chúng ta, đều nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria.
124. Có bằng cớ nào chứng minh Đức Trinh Nữ Maria thật là Đấng Ban Phát mọi Ân Sủng? Chúng ta có nhiều bằng chứng rút từ Thánh Kinh và Thánh Truyền, chứng minh Đức Mẹ Maria là Đấng Ban Phát mọi Ân Sủng của Thiên Chúa.
125. Thánh Kinh chứng minh Đức Mẹ Maria là Đấng Ban Phát Ân Sủng như thế nào? Thánh Kinh minh chứng chân lý này bằng Tiền Phúc Âm hay Tin Mừng Nguyên Thuỷ (Sáng Thế Ký 3:15) trình bày cho chúng ta Người Nữ Trung Gian kết hợp với Đấng Trung Gian trong công cuộc cứu chuộc chúng ta. Phần rỡi của chúng ta không chỉ bao gồm việc thủ đắc mọi ân sủng mà thôi, mà còn bao gồm cả việc ứng dụng và phân phát các ơn ấy nữa. Hơn nữa, có những sự kiện Phúc Âm trần thuật cho chúng ta như: thánh hoá trẻ Gioan Tẩy Giả, phép lạ tại tiệc cưới Cana, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần v.v… đều là bằng chứng mặc khải cho chúng ta cách hùng hồn luật tổng quát Thiên Chúa đã thiết lập là: hết mọi Ân Sủng đến với nhân loại đều qua Đức Mẹ Maria.
126. Thánh Truyền và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội đã dạy thế nào về việc Đức Mẹ Maria là Đấng Ban Phát mọi Ân Sủng Thiên Chúa? Thánh Truyền từ thời các Tông Đồ và về sau là Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội đều công nhận việc Thiên Chúa đã thiết định mọi ân ban từ Ngài xuống nhân loại đều qua Đức Trinh Nữ Maria: Như Đức Thánh Cha Lêo XIII nhắc lại lời xác quyết của Thánh Phêrô Đamianô (1007-1072): “Nguồn ơn phúc của Thiên Chúa trào đổ xuống nhân loại qua một chiếc máng là Đức Trinh Nữ Maria” (Florilegium Mariae Tr. 443). Và Thánh Bênađô đã tuyên bố: “Tất cả các Ơn phúc, Nhân đức và Hồng ân Chúa Thánh Linh ban xuống, đều do Đức Mẹ Maria phân phát: Người muốn ban cho ai nhiều hay ít và lúc nào tùy ý Mẹ”.(Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria tr. 96)
127. Việc Thiên Chúa đặt Đức Trinh Nữ Maria làm Đấng Ban Phát các Ân Sủng có thích đáng không? Đối với Thiên Chúa có thể không việc nào thích đáng hơn việc đặt Đức trinh Nữ Maria làm Đấng Ban Phát các Ân Sủng, bởi vì việc đó phát xuất từ tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc và làm Mẹ Thiêng Liêng nhân loại. Sau khi cộng tác vào việc thủ đắc mọi Ân Sủng do ơn Cứu Chuộc, cũng rất chính đáng để Đức Maria cộng tác vào việc tăng triển đời sống siêu nhiên nơi toàn thể và từng người bằng việc ban phát cho họ từng Ân Sủng và hết mọi Ân Sủng Thiên Chúa.
D. NỮ VƯƠNG VŨ TRỤ
128. Đâu là hiệu quả thứ hai do sứ mệnh cao cả của Đức Trinh Nữ Maria? Hiệu quả thứ hai của sứ mệnh cao cả Đức Mẹ Maria là Vương Quyền, bởi vì sứ mệnh của Người không những có tính cách Trung Gian, mà thiết yếu còn có tính cách Nữ Hoàng nữa. Là Mẹ Thiên Chúa và Đấng Trung Gian nhân loại, Đức Mẹ Maria không thể không là Nữ Vương Vũ Trụ.
129. Tước hiệu “Nữ Vương Vũ Trụ” có ý nghĩa gì? Tước hiệu “Nữ Vương Vũ Trụ” có nghĩa là Đức Trinh Nữ Maria cùng với Chúa Kitô-Vua nắm giữ quyền tối thượng đích thực về siêu việt và thế lực trên mọi thụ tạo, trên mọi thụ tạo, trên mọi thành phần xã hội. Như vậy, một trật Đức Mẹ Maria có tước vị và uy quyền riêng của một Nữ Hoàng. Đức Mẹ Maria có uy thế cá nhân độc nhất vô nhị, vì tất cả huy hoàng của Vua muôn vua phản chiếu trên Đức Mẹ. Đức Mẹ Maria có quyền thế cầu bầu đặc biệt, vì hết những gì Mẹ xin Vua muôn vua đều được chấp nhân.
130. Có bằng cớ nào chứng tỏ Đức Trinh Nữ Maria là Nữ Vương Vũ Trụ không? Có. Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều minh chứng cách mặc nhiên chân lý cao trọng này: Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ thật Chúa Cứu Thế, Ngài là Vua trên muôn vua, bởi thế Mẹ Ngài chính là Hoàng Hậu, là Nữ Vương Vũ Trụ. * Sách Khởi Nguyên đoạn 3 câu 15 ghi lại cuộc chiến đấu trường kỳ giữa Người Nữ và âm binh hỏa ngục, giữa dòng dõi Người Nữ và bè lũ Satan. Dòng dõi Người Nữ là Đức Kitô sẽ đạp nát dầu Satan. Mà Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Ngài. * Thánh Vịnh 44 câu 10 đề cập đến: “Hoàng Hậu đứng bên hữu Đức Vua mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy,” ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria đứng cạnh Vua Kitô. Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật biến cố truyền tin, Sứ Thần Gabriel đã tâu trình Đức Trinh Nữ Maria sẽ sinh hạ một Hài Nhi, đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu: “Ngài là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi vua Đavít, Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp” (Lc 1:32). Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Ngài, tức là Mẹ của Vua muôn vua. * Tin mừng theo Thánh Gioan ghi lại lời ông Philatô hạch hỏi Chúa Giêsu Kitô: “Ông có phải là Vua không”? Chúa Giêsu trả lời: “ Quan nói đúng, Tôi là Vua” (Jn18:37). Như thế đã rõ: Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Vua Kitô. (Mariology tr. 520-552; Mare dans le Dogme P. 240)
132. Thánh Truyền và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội có đề cập đến Vương quyền Đức Mẹ Maria không? Từ thế kỷ thứ II, niềm tin vào Vương quyền Đức Trinh Nữ Maria được diễn tả trong nghệ thuật, ảnh vẽ, điêu khắc tại các hang Toại đạo Rôma, trong các đài kỷ niệm của Công giáo Phi Châu, trong các đồ khảm, bức họa tại các đền đài dành cho việc thờ tự và dâng kính Đức Mẹ Maria. Trong thời kỳ này các Giáo Phụ chỉ đề cao danh xưng Mẹ Chúa tôi (Lời Bà Elizabeth), Mẹ Chúa Kitô, Maria Tân Evà v.v... * Từ đầu thế kỷ VII, danh xưng Nữ Hoàng, Nữ Vương Maria được dùng đến. Thánh Iđêphongsô thành Tôlêđô đã kêu xin: "Lạy Nữ Vương Maria, Đức Kitô là Con chí ái của Mẹ, con là tôi tớ của Mẹ. Mẹ là Nữ Hoàng của Vua Giêsu" (PG.97,872). * Từ thế kỷ VIII trở về sau, Vương quyền Đức Trinh Nữ Maria được đề cao và được xây dựng trên hai nền tảng: 1. Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Kitô Vua. 2. Mẹ là Cộng Sự Viên của Chúa trong việc cứu chuộc nhân loại. * Thế kỷ VIII trở về sau, Vương quyền Đức Trinh Nữ Maria vừa là Nữ Vương Vũ trụ vừa là Mẹ Nhân loại. * Nhưng, Vương Quyền Đức Mẹ Maria đã được các nhà Thần học lưu tâm hơn hết trong thế kỷ XX. Những Hội Nghị Quốc Tế Thánh Mẫu ở Lyon Pháp (1900), ở Fribourg, Thụy Sĩ (1902) và ở Einsiedeln, Đức (1906) đã thảo luận vấn đề này và đệ trình Đức Thánh Cha xin ngài chính thức tôn nhận Vương Quyền Đức Mẹ Maria. * Các Đức Thánh Cha Lêô XIII, Piô IX, Piô X, Piô XII đã tích cực hưởng ứng, nên ngày 11 tháng 10 năm 1954, Đức Thánh Cha Piô XII, trong thông điệp Ad caeli Reginam đã thiết lập Lễ Mẹ Nữ Vương Vũ Trụ trong khắp Giáo Hội hoàn vũ, lễ kính ngày 22 tháng 8 hằng năm.(Mariology Vol 2 p. 524-546; Maryin Doctrine, EmilNeubert pp 138-146).
133. Đâu là những đặc quyền làm Nữ vương của Đức Mẹ Maria? Đức Mẹ Maria có hai đặc quyền làm Nữ Vương: Trước hết là quyền tự nhiên: Vì Người là Mẹ Thiên Chúa, Đấng là Vua tất cả các vua. Thứ đến là quyền chinh phục: Vì Người đã cùng với Chúa Kitô chuộc lại chúng ta khỏi ách nô lệ ma quỷ. |